Có lẽ câu hỏi nhiều nhất trong vòng hơn thập kỷ qua mà mìn được hỏi là học tiếng Anh bắt đầu từ đâu, làm sao học giỏi tiếng Anh, bla bla bla. Nên đành viết ra một vài điều lỡ ai hỏi thì share liền tay vậy. Dưới đây là phần chuẩn bị mà mình đúc rút kinh nghiệm suốt hơn chục năm phải trả lời những câu hỏi như này. Mình chia ra nhiều bài để mọi người dễ theo dõi hơn nhé. Tóm tắt lại gồm các phần chính như sau:
- Phần chuẩn bị
- Luyện kỹ năng nghe
- Luyện kỹ năng nói
- Luyện kỹ năng đọc
- Luyện kỹ năng viết
- Ngữ Pháp
- Từ Vựng
- Phonic (ngữ âm)
- Văn hóa địa lý lịch sử Anh – Mỹ giới thiệu chung
- Chia sẻ tài liệu, kênh học tiếng Anh
Hãy nhớ lại năm xưa bạn học nói thế nào, nếu có quên hãy nhìn tụi trẻ con ấy, Nghe rồi nói theo, rồi mới học đọc học viết. Mình lớn rồi thì làm song song nhưng vẫn đừng chệch khỏi quá trình kia nhé.
Thứ nhất, chính là CẦN
Trước khi bắt đầu với tiếng Anh hay bất kỳ ngôn ngữ nào hoặc muốn làm việc gì thì đều cần có động lực hoặc có sự thúc đẩy ép buộc kiểu như nếu muốn đi du học thì phải có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, muốn được tuyển dụng vào vị trí này, công ty nọ thì phải giao tiếp được tiếng Anh, hay đơn giản chỉ là muốn nghe nhạc Anh không cần sub thôi vậy. Tuyệt đối không thể chỉ vì mình muốn gặp tây thì nói chuyện được với họ, mình muốn giỏi tiếng Anh, mình thích nói được tiếng Anh bla bla bla. Chỉ như vậy thì chắc chắn bài viết này của mình sẽ được đọc đi đọc lại mỗi khi bạn nổi hứng “mình muốn giỏi tiếng Anh” luôn đó.
Động lực thì lấy ở đâu ? nếu bạn không bị đặt lên ghế nóng thì hãy đăng ký thi TOEIC hoặc IELTS đi, không đùa nha, cứ đăng ký và mất một cọc tiền phí thi và mục tiêu là 800 TOEIC hay 7 8 IELTS, viết mục tiêu ấy thật to và dán lên bất kì chỗ nào có thể nhìn thấy được. Và điểm cứ đặt cao vào để có muốn với đến dải ngân hà thì ít ra cũng ngã ở mặt trăng là được rồi =))) (Anyway, đăng ký hạn xa tý tùy trình độ của bản thân nữa ạ 🙁 )
Thứ 2, Hiểu được tâm lý của mình
Tâm lý thường gặp chung của mọi người khi đặt câu hỏi Học tiếng Anh thì nên bắt đầu từ đâu chủ yếu là “một ngày giông bão/đẹp trời bỗng nhiên nổi hứng. Nói như vậy có thể khá là vơ đũa nên mình thu hẹp lại luận điểm dựa trên vài kiểu như sau:
- Nổi hứng, tìm tài liệu, tìm người hỏi xong để đó
- Nổi hứng hoặc có cảm giác cần, tìm lớp, tìm thầy, học xong vài hôm rồi vì vô vàn lý do nên quit
- Cứ lúc nào nổi hứng thì học (kiểu này được không đến một tuần sẽ dừng và khoảng 1 tháng sau lại quay lại T_T )
Một người bạn điển hình của mìn (gây là nhân tố chính khiến mình nghiệm ra được những điều trên và đủ cáu để viết lại một lần ở đây) cứ mỗi lần (cứ mỗi lần luôn nhé) gặp nhau nó sẽ hỏi “làm sao để giỏi tiếng Anh hả mày” đôi khi ý chí lên cao thì anh bạn sẽ nhắn tin hỏi có tâm hơn “Tao muốn học tiếng Anh, mày dạy tao với”. Thời gian đầu mìn còn nhiệt đến nỗi soạn bài vở bài tập tìm tài liệu để dạy nhưng rồi thú thực là chưa một ai vượt qua được cái tâm lý kia và chưa ai thực sự xem việc học này là cần thiết và quan trọng. Mình hiểu ra, đa phần mọi người chỉ là nhất thời MUỐN mà thôi.
Một khi muốn làm thì sẽ có thời gian để làm, và chủ yếu khi chán rồi bạn sẽ có muôn ngàn lý do để từ bỏ.
Đúc kết lại, tâm lý bạn cần chuẩn bị và xác định rõ ràng rằng
- Học ngôn ngữ là một quá trình lâu dài (ít nhất 3 tháng nỗ lực không ngừng và có người kèm cặp trở lên mới thấy có tiến bộ).
Dục tốc bất đạt
- Bắt đầu từ cái dễ thôi, đừng ôm quá nhiều và cái khó làm bản thân nhanh chán và mất động lực
- Vừa thấy khó là nản, thấy nhiều là sợ và thấy không hiểu gì thì bỏ
- Đừng ép bản thân, tuyệt đối đừng cho rằng học được, đọc xong vài trang chữ tiếng Anh, học xong vài cấu trúc, nhớ được vài từ mới thì nghĩ phải thành thạo rồi.
Thứ 3, Hiểu thứ mình đang học
Ngôn ngữ là sản phẩm của văn hóa. Mà văn hóa thì theo quan điểm của mìn là từ địa lý mà ra. Chúng ta học tiếng của một dân tộc thì phải hiểu đất nước của họ, VĂN HÓA của họ, địa lý tự nhiên và xã hội của họ thì mới hiểu được cách diễn đạt của họ được. Ngôn ngữ nếu chỉ ghép các chữ lại thì cũng không còn tính hay của nó mà còn cần yếu tố văn hóa trong đó. Văn hóa, phong tục tập quán và xã hội định hình tư duy của một nhóm người cùng khu vực địa lý chung sống, tư duy định hình lối suy nghĩ, từ đó mà sinh ra lời ăn tiếng nói hàng ngày.
Lấy ví dụ như trong tiếng Anh
- The black sheep: là con cừu đen hay còn ám chỉ trong nhà có thành phần phá gia tri tử (hoặc ko đến mức đó nhưng kiểu lập dị, trái khuấy trong nhà.
- I can eat a horse: là Đói vãi chưởng, là đói đến mức ăn hết cả con bò
Ngựa và cừu là hai loại động vật phổ biến vô cùng ở trời Tây nên các thành ngữ, tục ngữ đương nhiên không thể thiếu.
Hoặc ví dụ khác như I put my hand on my heart = I swear nguyên nhân chính là khi thề họ thường đặt tay lên ngực trái.
Lấy ví dụ trong dịch thuật khi mà có những từ không thể dịch sang tiếng Ang được vì không có từ tương đương, không có sự tồn tại của sự vật sự việc đó ở văn hóa của họ thì làm sao có trong ngôn ngữ.
Vậy hiểu bằng cách nào?
- Xem phim và chú ý đến yếu tố văn hóa trong cách sống hàng ngày, trong các chi tiết trong phim, chú ý đến cách diễn đạt của người nói
- Đọc nhiều về địa lý, văn hóa
- Đọc và hiểu qua về hệ ngôn ngữ mà tiếng Anh được xếp loại vào, hiểu về nguồn gốc của tiếng Anh (vd như Tiếng Việt có nhiều từ mượn của Pháp, Hán Việt do yếu tố lịch sử)
Cuối cùng, nắm khái quát mình cần học những gì
Việc này để tránh cảm giác mông lung, không biết cần học những gì, bắt đầu từ đâu, còn phải học bao nhiêu nữa, hay học thế đã đủ những cái cần phải nắm chưa T_T
Các bạn xem mục này ở phần Ngữ pháp nhé
Chốt hạ phần chuẩn bị ở đây. Mìn bonus một hai câu
- Nên mừng vì học ngôn ngữ cũng thuộc vào môn xã hội, cần cù bù khả năng, mưa dầm thấm lâu cày sâu nhớ lâu chứ không hề hóc búa như giải Vật lý (dân khối D và thanh niên 3 năm cấp 3 nhìn bài vật lý cho hay)
- Nên buồn vì xác định phải thật sự nghiêm túc với học tiếng Anh thì mới có hiệu quả
Hi vọng bài viết cung cấp cho bạn được cách học tiếng anh cơ bản từ đầu hữu ích.