Tiếp tục series nào
- Phần chuẩn bị
- Luyện kỹ năng nghe
- Luyện kỹ năng nói
- Luyện kỹ năng đọc
- Luyện kỹ năng viết
- Ngữ Pháp
- Từ Vựng
- Phonic (ngữ âm)
- Văn hóa địa lý lịch sử Anh – Mỹ giới thiệu chung
- Chia sẻ tài liệu, kênh học tiếng Anh
Quá trình tự nhiên của việc học tiếng anh và học các ngôn ngữ luôn bắt đầu từ việc nghe. Như đứa trẻ nghe bố mẹ dạy những âm đầu tiên như “mẹ, bố, ông, bà” rồi bập bẹ tập nói theo, sau đó chúng mới học đọc học viết. Ngôn ngữ bản thân nó cũng tự hình thành âm thanh trước, cử chỉ trước sau đó mới phát triển hệ thống chữ viết để ghi lại.
Trong vấn đề học nghe, mình tự chia thành 2 quá trình song song để tự rèn luyện là:
- Nghe thụ động
- Nghe chủ động
Hẳn rất nhiều người đã nghe hoặc đọc thấy kiểu nghe này nhưng thường chưa thực sự làm đến nơi đến chốn, chưa thực sự dành thời gian nghiêm túc cho việc học tiếng anh. Kết quả là cứ thi thoảng thấy cần mới học, mất thời gian kinh khủng. Mình sẽ nói rõ hơn tại sao và làm thế nào với từng kiểu nghe nhé.
Nghe thụ động
Phương pháp này chính bản thân mình đã áp dụng vô thức và thành công. Ngày học đại học năm nhất, chỉ cần nói đến tiết nghe đã sợ, không hiểu sao tây họ nói nhanh mà lại còn dài hơi thế, nghe xong một câu vừa mệt hơi vừa chẳng hiểu gì. Sau đó có dịp đi thực tập, mình vừa làm việc vừa cắm tai nghe TED (ồi hồi đó cuồng TED lắm, nhìn phong cách thuyết trình của người ta mà ghen tị), có khi nghe nhạc, có khi lại bật thế giới động vật lên nghe. Hai tháng sau, một ngày đẹp trời có tiết kiểm tra nghe và mình thấy họ nói cũng không nhanh chút nào, lại còn nghe được cả ending sound (âm tiết cuối) và một sự quen thuộc đối với âm thanh ấy đến bất ngờ. Mãi sau này nghĩ lại mình mới chợt nhận ra tác dụng của hai tháng (và rất nhiều tháng sau đó) nghe liền mạch đó.
Nghe thụ động là gì, tại sao lại giúp việc học nghe tiếng Anh như vậy?
Hàng ngày bạn dù không muốn nhưng cũng đều sẽ có muôn kiểu âm thanh lọt vào tai (hoặc cố tình được nghe nếu như có bà hàng xóm gào lên chửi đổng sang nhà mình ý 😀 ) nghe rất nhiều âm thanh vào đầu nhưng rồi nó cũng trôi ra tai bên kia vì mình không chủ tâm nghe xem người ta nói gì. Nhưng thực chất, những âm thanh đó có tác động đến bản thân mình. Bằng chứng là khi sống ở vùng miền khác với đất mẹ, nhiều người thường đổi giọng. Tuy vậy, rất ít khi có ai để ý điều đó. Khi ra nước khác sinh sống, ban đầu mình cũng không nghe kịp người khác nói gì, là không nghe được từng từ họ phát âm, cứ như 1 mớ âm thanh nhiễu lọt vào tai vậy.
Nghe thụ động là quá trình nghe nhưng không để tâm đến những gì mình được nghe, chỉ cần nghe mà không cần hiểu và nghe ra người nói đang nói gì. Mục đích của việc nghe này chính là ngay cả khi bạn không hiểu nó bây giờ, nhưng dần dần thông qua một quá trình tự nhiên của sự hấp thụ, tai (thực chất là não bộ) sẽ quen với âm thanh, nhịp điệu, tốc độ và các loại accents (giọng vùng miền) khác nhau.
Vì nhiều người không có điều kiện sống ở môi trường chỉ dùng tiếng Anh, nên việc học nghe tiếng anh rất khó khi không quen âm điệu và tốc độ chứ chưa nói đến việc chưa có vốn từ để hiểu. Lấy ví dụ như giọng miền Trung, cho mình nghe các bạn Hà tĩnh hay Nghệ An nói chuyện thôi cũng chưa chắc dịch nổi nguyên câu rồi. Việc nghe thụ động thường chỉ diễn ra thời bắt đầu học tiếng Anh thôi (khoảng hơn nửa năm đầu, sau khi bạn lên trình độ cao hơn thì cũng (tự nhiên mà) bỏ qua việc này và chuyển sang nghe chủ động toàn thời gian vì đã nghe hiểu tốt hơn rồi. Và nên như vậy nếu không việc học tiếng anh không tăng level nhanh được đâu.
Nên nghe khi nào?
Vậy nên cách tốt nhất là dùng cách nghe này khi mình đang làm việc không yêu cầu tập trung cao quá và nghe bất kì khi nào có thể. Ví dụ như khi đi tàu xe, khi ở nhà thì cứ bật loa cho nó tự phát, đôi khi chán thì chuyển thể loại thuyết trình sang loại nhạc, hoặc show thực tế, hoặc radio, google podcasts. Bên dưới mình có để một số nguồn để các bạn lưu lại tham khảo thêm.
Hãy nghe các bản ghi của người bản địa nói, nghe giọng của nhiều vùng miền khác nhau. Tiếng Anh chia ra làm Anh-Anh, Anh-Mỹ (có cả Anh-Úc) nhưng trong từng loại chính này còn có tiếng Anh của London, của Scotland (nghe xong khóc luôn) …
Hãy nhớ là nghe bất kì khi nào có thể. Tưởng tượng như một ngày trừ khoảng thời gian ngồi vào bàn học nghiêm túc thì số thời gian còn lại nếu có thể hãy tận dụng để nghe. Khi nghe nếu không làm việc thì có thể nhại theo cái mình nghe như kiểu mình hay nghe nhạc tiếng Anh ý, không hiểu nhưng vẫn nghe âm rồi hát theo vậy.
Nghe chủ động
Đau đầu, mất thời gian, nhanh chán và bỏ cuộc đều do tên này gây ra nhưng không thể không chiến lại nếu muốn giỏi thực sự.
Đôi với loại này chắc mình không cần giải thích nhiều như nghe thụ động nhưng nên nghe từ đâu và như thế nào lại là cái gây hoang mang và cần giải quyết.
Đối với loại này, các bạn cần có sự đầu tư và chọn lựa nhiều hơn.
Thứ nhất: Cấp độ
Nắm được cấp độ nghe của mình ở đâu và tìm tài liệu nghe phù hợp, thường thì các kênh nghe cũng sẽ chia theo cấp độ
- Từ nghe cơ bản đến nâng cao
- Từ nghe những đoạn ngắn, tốc độ đọc chậm, âm phát rõ ràng đến đoạn dài, nói ở tốc độ nhanh hơn và cuối cùng là nghe được những người bản ngữ trò chuyện với nhau. Cấp này thì chắc không cần đọc bài này nữa òi 😀 . Khi người nước ngoài nói chuyện với mình, họ khá biết ý nên chỉ dùng những từ đơn giản phổ biến và nói chậm lại để mình theo kịp, hạn chế dùng từ lóng luôn đó.
- Khi nghe, cố gắng hiểu và nhận biết từ, cũng như NHẬN BIẾT CÁCH PHÁT ÂM CỦA TỪ, nhiều người thường bỏ qua điều này. Không hẳn phải ghi lại từng câu vì như vậy dễ làm bản thân nản chí và tốn thời gian mà nên tóm tắt được và viết được ý chính ra.
- Thay đổi các kênh nghe để tránh nhàm chán.
Thứ 2: Kiên Trì
Cố gắng mỗi ngày đều dành ra khoảng ít nhất 20 phút để ngồi xuống bàn, nghe theo 1 bộ giáo trình nghe nào đó và làm bài tập. Đây là bước phải HỌC thực sự và dành công sức nhiều.
Nên theo giáo trình vì như vậy tự bản thân cũng được khích lệ theo từng trang sách được lật qua, biết được bản thân đang ở đâu, cũng như có bài tập cụ thể. Mình sau bao lần chọn lựa cho mọi người thì vẫn ủng hộ bộ Tatic listenning, cụ thể như nào thì mọi người tự khám phá nhé. Link download mình dựa theo trang này . (nếu link có lỡ hỏng thì comment email bên dưới mình gửi qua email cho các bạn nhé)
Tài liệu tham khảo
Mình giới thiệu các keywords và links nhé:
- Các bài thuyết trình, bài giảng: Vd TED talk, Brian Tracy
- Google podcasts: kho ứng dụng tuyệt vời, nhẹ, free, an toàn, tuy chất lượng không cao cấp như bản trả phí của các ứng dụng chuyên nghe nhạc khác
- Xem film có phụ đề, các show thực tế: little bigshot, American got
talent … - Các trang webs:
- www.voanews.com
- www.talkenglish.com
- www.eslgold.com
- www.esl-lab.com
- www.learnenglish.org.uk
- www.bbc.co.uk
- www.englishspeak.com
5. Không thể bỏ qua http://www.youtube.com với vô số kênh của các youtuber bản địa dạy tiếng Anh trên này.
6. Các kênh học tiếng anh free như: Khanacademy, coursera, edx, …
7. Nguồn từ Phim: Kênh không chỉ có tiếng mà còn học được cả văn hóa, xã hội
- Chọn các phim HD có phụ đề tiếng Anh và tiếng Việt
- Xem phim phụ đề càng nhiều càng tốt.
- Nguồn từ dạy tiếng anh trên truyền hình
8. Luyện nghe và chép lại trên: https://www.listen-and-write.com.
9. VOA learning English hoặc Spotlight English (Đặc biệt dành cho người mới học tiếng Anh hoặc người đang cần luyện phát âm hoặc luyện speaking chuẩn).
10. Các trang podcast khác dạy tiếng Anh free hay: https://teacherluke.co.uk; https://www.allearsenglish.com/episodes/; https://rocknrollenglish.com.
Kết lại, mình nhấn mạnh phải kết hợp song song cả hai cách học mới đạt hiệu quả và lên level nhanh. Việc nghe rất quan trọng, vì khi nghe chính là khi ta học được cách phát âm chuẩn nhất. Chỉ khi phát âm chuẩn thì người nghe mới hiểu được ý mà mình muốn nói.
Nghe và nói chính là mục đích đầu tiên của ngôn ngữ
Hi vọng bài viết cung cấp cho bạn được cách học tiếng anh cơ bản từ đầu hữu ích.