Bé từ 0-3 tuổi đang trong thời kỳ phát triển nhận thức, khám phá mọi vật xung quanh và luôn cần sự dẫn dắt, chỉ bảo tận tình của cha mẹ. Giai đoạn này, trẻ nhận biết thế giới thông qua cảm giác của mình, thu được kinh nghiệm học tập thông qua cách mô phỏng đơn giản rồi trưởng thành hơn qua những kinh nghiệm đó.
Muốn trẻ tiếp nhận sự giáo dục tốt nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất, phương pháp hữu hiệu là bố mẹ và trẻ cùng tham gia những trò chơi bổ ích. Ở thời kỳ sơ sinh đến 3 tuổi, trò chơi đặc biệt sẽ kích thích sự phát triển lành mạnh, là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu cho sự phát triển hoàn thiện.
Vì thế, bố mẹ hãy dành thời gian chơi với bé thường xuyên, điều đó không chỉ tốt cho bé yêu mà còn tốt cho cả bố mẹ của bé nữa. Bố mẹ sẽ cảm nhận được nhiều hơn sự ngây thơ của bé và hạnh phúc hơn khi được làm bạn với thiên thần nhỏ đáng yêu.
Dưới đây là một số trò chơi thích hợp với từng giai đoạn phát triển của bé 0-3 tuổi, bố mẹ bé hãy cùng chơi với bé cho bé yêu cười vui mỗi ngày nhé.
1. Để mẹ hôn con nào! – thích hợp với trẻ 0 – 2 tháng:
Mục tiêu học tập: Phát triển xúc giác, khơi dậy niềm vui
Phương pháp:
1. Đặt trẻ trên tay, nhẹ nhàng đung đưa theo tiết tấu.
2. Mỉm cười nói với trẻ: “Con ngoan, mẹ yêu con”.
3. Khi nói đến chữ “con”, hôn lên trán, mũi, mặt và tay của trẻ.
4. Chú ý quan sát xem tâm trạng của trẻ có thay đổi hay không, có tỏ vẻ thích thú hay không.
Mách nhỏ:
Khi nói chuyện với trẻ có thể thay đổi những cách gọi khác nhau, ví dụ, “Bé yêu”, “Cục cưng”… Chú ý dùng từ ngắn gọn, rõ ràng, đồng thời cho trẻ thời gian nghe và suy ngẫm.
2. Chạm trán – thích hợp với trẻ 2 – 3 tháng
Mục tiêu học tập: Kích thích phát triển não bộ, hình thành cảm giác an toàn cần thiết trong quá trình trưởng thành.
Phương pháp:
1. Trò chuyện với trẻ bằng ánh mắt, ôm trẻ thật chặt và đáp lại những phản ứng của trẻ.
2. Chạm trán của mình vào chán trẻ.
3. Khẽ dùng lực để trẻ hoàn toàn có thể cảm nhận được.
4. Dừng lại nhìn vào mắt trẻ, mỉm cười rồi sờ trán trẻ.
5. Sau đó lại chạm trán rồi dừng lại, lặp đi lặp lại nhiều lần.
Mách nhỏ:
Chạm trán là trò chơi mà rất nhiều trẻ nhỏ yêu thích. Mặc dù trẻ chưa biết cách thể hiện niềm yêu thích của mình một cách rõ rệt nhưng ta vẫn có thể nhận ra điều đó qua cách phối hợp của trẻ. Nếu trẻ tỏ vẻ khó chịu thì hãy lập tức dừng trò chơi lại.
3. Tìm đồ chơi – thích hợp với trẻ 6 – 12 tháng
Mục tiêu học tập: Rèn luyện khả năng chú ý, để trẻ cảm nhận niềm vui trong quá trình đi tìm đồ chơi.
Phương pháp:
1. Cho trẻ xem đồ chơi mà trẻ thích nhất, sau đó giấu trong tay mẹ.
2. Khích lệ trẻ tìm đồ chơi, hỏi trẻ: “Nó có ở trên trời không?” Sau đó ngẩng đầu nhìn lên trời.
3. Hỏi trẻ: “Nó có ở dưới đất không?” Sau đó cúi nhìn xuống đất.
4. Hỏi trẻ: “Nó có ở trong tay mẹ không?”
5. Mẹ nói: “Đúng vậy, nó ở đây”. Sau đó xòe tay ra cho trẻ nhìn đồ chơi.
Mách nhỏ:
Nếu trẻ hứng thú với trò chơi này, bạn có thể giấu đồ chơi sau lưng rồi xòe tay nói với trẻ: “Đồ chơi đâu?” Sau đó lại gần trẻ, để trẻ có thể chạm vào người bạn. Gợi ý để trẻ lấy đồ chơi, không ngừng lặp đi lặp lại nhiều lần, chẳng bao lâu trẻ có thể tự mình làm được.
4. Chú hề – thích hợp với trẻ 18 – 36 tháng
Mục tiêu học tập: Bồi dưỡng khả năng biểu đạt ngôn ngữ và khả năng biểu diễn.
Phương pháp:
1. Tìm hai chiếc cốc giấy, dùng bút nhọn vẽ lên cốc, một chiếc vẽ mặt cười, một chiếc vẽ mặt mếu.
2. Mẹ ngồi trên ghế, đặt trẻ ngồi lên đầu gối.
3. Giơ cốc có mặt cười, kể những chuyện vui.
4. Giơ cốc mặt mếu, thay đổi giọng điệu kể chuyện buồn.
5. Hỏi xem trẻ thích chuyện vui hay chuyện buồn. Sau đó đưa cho trẻ một chiếc cốc giấy, khích lệ trẻ kể chuyện.
Mách nhỏ:
Có thể để trẻ tự chọn hình vẽ trên chiếc cốc. Có thể vẽ chú ong chăm chỉ, chú lợn tham ăn, chú bướm xinh đẹp. Mẹ hãy hướng dẫn trẻ cùng vẽ.
Những trò chơi thật hay, thật thú vị phải không các bạn? Còn nhiều nhiều trò chơi khác nữa bố mẹ có thể chơi hàng ngày với bé yêu của mình đấy. Bạn hãy chọn những trò chơi phù hợp với từng độ tuổi của bé để đảm bảo phát huy tốt nhất nhận thức cũng như kỹ năng của bé nhé.